Quê tôi!


Quê tôi không có con sông xanh biếc đỏ nặng phù sa, chẳng có cây đa giếng nước đầu làng, cũng không có hàng dừa xanh nghiêng mình soi bóng nước… Quê nhà tôi đó, chỉ có dòng sông lắm thác nhiều ghềnh, chỉ có núi rừng bát ngát mênh mông, chỉ có con đường đất đỏ bazan kéo dài thẳng tắp… và có cả bóng nhỏ giáo đường nơi góc phố bình yên.
5 năm xa vùng đất Tây Nguyên lộng gió, hòa vào cuộc sống nhộn nhịp chốn Sài thành, nếu có ai đó hỏi tôi, rằng tôi nhớ nhất điều gì nơi quê hương, thì tôi đâu có ngần ngại chi mà bảo rằng: tôi yêu lắm, nhớ lắm, thương lắm ngôi giáo đường nhỏ - nơi cửa ngõ của một thành phố mới trên cao nguyên – nơi ấy, người ta vẫn khắc sâu trong tim tự bao giờ với tên gọi trìu mến thân thương: nhà thờ Tân Phú.

Không hoành tráng khang trang như bao ngôi thánh đường mới xây, nhà thờ Tân Phú đơn sơ, giản dị, nép mình dưới đôi hàng phượng vĩ, hàng thông xanh. Tôi nhớ mùa phượng nở cũng là tháng Hoa, cái thời tôi còn bé, quê còn nghèo, tháng Hoa về, lũ trẻ cũng ríu rít đi tập dâng hoa. Chẳng có lan, có huệ, có ly đẹp ngời như bây giờ đâu, chỉ có những chùm phượng đỏ rực, chỉ có những cành hồng đơn sơ – là do tụi nhỏ chúng tôi đi đến từng nhà giáo dân trong xứ xin về đấy. Ấy vậy mà tự trong đáy lòng mình, tụi tôi vẫn cảm thấy từng đóa hoa sao đẹp quá ngát hương thơm quá – hoa lòng dâng Mẹ hẳn ý nghĩa vô vàn mà! Xứ tôi vẫn giữ được cái truyền thống đi đọc kinh gia đình vào mỗi độ tháng Hoa, tháng Mân Côi. Chỗ tôi ở là vùng kinh tế mới, giáo dân còn thưa thớt lắm. Có những gia đình giáo dân ở tận trong hẻm vắng, những hôm đường trơn khó đi, đi bộ còn khó, huống hồ xe máy, xe đạp chạy loạng choạng là ngã nhào, bùn đất lấm lem, tay chân thâm tím liền. Tháng mười gió về lạnh cắt da cắt thịt, đi qua rừng cao su âm u lại càng ớn lạnh, bao nhiêu áo khoác nào có đủ ấm mình, vậy mà chẳng bao giờ bỏ sót một nhà nào. Tiếng kinh, tiếng hát, tiếng nguyện cầu đêm đêm vẫn lần lượt vang lên nhịp nhàng, đều đặn dưới từng mái nhà. Dù cho có gió mưa, vẫn không thể ngăn được bước chân của những con người muốn tìm đến với tình yêu của Chúa, muốn tìm đến với lời kinh Mân Côi cho gia đình thêm ấm áp.

(Nhà Thờ Tân Phú - Giáo phận Kontum)
Tôi làm sao quên được những ngày tháng 12 trời cao nguyên lạnh thấu xương, vậy mà một đám lóc nhóc vẫn chẳng hề than vãn một lời, tối nào cũng vội vội vàng vàng ăn cơm thiệt sớm, còn kịp lên nhà thờ tập canh thức Giáng sinh. Rồi một tuần 3 buổi tối, một năm 52 tuần không sót tuần nào, cơm nước xong là dắt nhau lên nhà thờ tập hát. Xứ ít giáo dân, ca đoàn Nhỏ chừng 7, 8 tuổi là đã theo tập hát. Vậy mà hết lớp này đến lớp khác, anh chị lớn đi đại học thì các em nhỏ lên thay, chẳng bao giờ để những buổi tối nhà thờ vắng tiếng đàn tiếng hát. Tiết trời Sài Gòn không lạnh như ở nhà, vậy mà mới hơi se se thôi tôi đã vội hít hà “trời sao nay lạnh quá!” Rồi những lúc đó mới chợt giật mình nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những đêm Giáng sinh đeo cánh thiên thần, miệng cười thật tươi mà tay chân thì run lên bần bật. Nói vậy chứ vì niềm vui chung, vì tình yêu Chúa thì có lạnh mấy tụi tôi cũng thấy ấm lòng lắm à! Chỉ thương nhứt là mấy Sr dòng Thánh Phaolo thành Chartres. Gắn bó với giáo xứ từ ngày mới thành lập, Sr này đi thì Sr khác lại về. Tập hát, tập múa, giáo lý viên… các Sr luôn là người đi đầu hướng dẫn. Với tôi, các Sr chính là những thiên thần áo xám, luôn luôn sát cánh cùng giáo xứ, quan tâm từ trong đời sống đến công việc phụng vụ. Những cái tên thân thuộc đã in đậm trong ký ức về miền quê đầy nắng, đầy gió của tôi bên cạnh ba, mẹ, còn có cả Sr Alphonsine, Sr Tình, Sr Mỹ, Sr Ký, Sr Nhiên, bà cố Luis… - tôi gọi các Sr là “những thiên thần nụ cười không bao giờ tắt”!

Xa nhà, xa quê lâu quá, một năm hai lần, tôi mới được về thăm quê, cũng ráng dành mấy mấy buổi tối lên đàn hát với các em ca đoàn Nhỏ, cũng ngồi kể chuyện ngày xưa – cái ngày ca đoàn mới thành lập, sách vở không có, các Sr phải photo từng bản thánh ca ra chuyền nhau tập tát. Cũng dành ít giờ ghé thăm các Sr, thăm mái nhà chung của nhiều lắm những đứa trẻ như tôi – lớn lên trong tình thương vô bờ bến. Giờ giáo xứ có người còn, có người mất. Mấy anh chị em trang lứa như tôi phần lớn đều đi học xa, rồi ở lại nơi đất khách quê người mưu sinh kiếm sống. Các Sr Phaolo cũng chuyển đổi liên tục, nhưng những kỷ niệm về các Sr, về những giáo dân nhiệt thành, về ngôi thánh đường Tân Phú đơn sơ ấy mãi mãi vẫn đẹp nhất, sâu đậm nhất trong tim tôi mỗi khi nhắc đến hai tiếng: Quê nhà!

Nếu ai đó có dịp lên Tây Nguyên, xin mời ghé qua nơi đây, thăm giáo phận Kon Tum với lịch sử hơn 150 năm truyền giáo, thăm hàng hoa sứ trắng ngần đưa lối vào Tòa giám mục, thăm nhà thờ Gỗ cổ kính linh thiêng, thăm Đức Mẹ Măng Đen đẹp dịu hiền giữa đồi tím hoa sim… Và đừng quên cho tôi nhắn gửi đôi lời nhớ thương đến ngôi giáo đường nhỏ mang tên Tân Phú với nhé!
Bài viết về quê nhà cùng những kỷ niệm đẹp về giáo xứ Tân Phú
– Giáo phận Kon Tum – Việt Nam.
Sài Gòn ngày 05 tháng 08 năm 2014
Maria Đặng Thị Thủy Tiên


Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét