Phim "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" - Cuộc chạm ngõ không định trước

CUỘC CHẠM NGÕ KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC
(Bài viết lấy cảm hứng từ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng)
---------------------------

Phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cuối cùng cũng đã "ra rạp" tại Sài Gòn. Hiệu ứng phim được phản ánh rõ nét qua những hàng ghế kín người xem mỗi suất chiếu và hỉ nộ ái ố của người trong cuộc (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, các "diễn viên", ê kíp dựng phim, quảng bá, phát hành, khán giả). Có thể nói, "chuyến đi đầu tiên của Thắm" đã có một kết thúc cổ tích. Hai vấn đề nổi bật mà bộ phim gợi ra đầy thuyết phục là: thái độ công bằng, đầy đủ với cộng đồng LGBT và bước chuyển đột phá, quyết đoán trong phương thức làm phim tài liệu.
Trung thành với "phong cách Varan", Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng gần như bị triệt tiêu lời bình và âm nhạc - hai yếu tố quan trọng của phim tài liệu truyền thống. Nguyễn Thị Thắm không áp đặt người xem mà để cảm xúc của họ bung mở cùng các thước phim. Khi bắt tay vào dự án khó nhằn này, Thắm có lẽ không tham vọng kể một câu chuyện như phim truyện điện ảnh, bởi điều đó bất khả thi với thể loại phim, phương tiện, kinh phí làm phim. Nhưng cũng chính sự giản dị, chân thực của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã làm nên chất điện ảnh đậm đặc. Hay nói cách khác, Thắm đã giúp khán giả nhớ lại rằng phim tài liệu có tuổi đời thuộc hạng già dặn nhất trong các thể loại phim điện ảnh.

(Poster chính thức của bộ phim)

Đoàn người trong gánh lô tô rong có đầy đủ những tố chất của các nhân vật điện ảnh: kiếp du ca, số mệnh nghiệt ngã, đức tin, nỗi ám ảnh tuổi tác... Thực tế đời sống của họ vô tình trùng khít với phép đối lập, một thủ pháp điện ảnh kinh điển. 86 phút phim phi kịch bản và dày tứ truyện là sự hoà quyện giữa bi ai và hài hước, đơn độc và ấm áp, bạo lực và mềm yếu, mặc cảm và ngang tàng, tự ti và toả sáng, bế tắc và ước vọng. Thắm xứng đáng được điểm cộng khi chắt lọc từ 70 giờ quay một thế giới ngôn ngữ đẫm Nam Bộ, thật và duyên, kể cả tiếng chửi thề. Các câu thoại của Bích Phụng, Mỹ Hằng, Ngọc Phụng, Ái Khanh, Lan Anh, La Sương Sương, Thanh Hiền... trộn lẫn nhiều thành ngữ, quán ngữ và hết sức vần vè: "tình ngay lý gian", "mất ăn mất ngủ", "tha phương cầu thực", "kẻ thương thì ít kẻ ghét thì nhiều", "thằng này bàn qua con kia sàng lại", "cười nghiêng cười ngả, cười về nhà thứ Bảy vẫn còn cười"... Thắm không chọn nhạc cho phim mà chính phim đã chọn nhạc cho Thắm. Ti vi, đầu đĩa là thầy tuồng, dòng nhạc tình ca quê hương là điểm tựa, các nghệ sĩ hội chợ trình diễn thoải mái pha chút ngô nghê. Vậy mà từng câu chữ cứ tự nhiên cứa vào đời riêng của họ, tê tái: "Chợt em 18 chợt nghe lạnh lùng", "Đời em pê đê nên yêu ai cũng không duyên", "Đêm nay mưa giăng giăng trong lòng em buốt giá", "Dòng sông lững lờ trôi con thuyền sóng đưa xa bờ", "Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ, thôi hết rồi một số kiếp"... Bộ phim của Thắm còn hiện diện nhiều ngôn ngữ điện ảnh. Cái loa sứt mẻ một cách kiêu hãnh đi khắp hang cùng ngõ hẻm vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, mâm cúng Tổ thành tâm, chú chuột tội nghiệp bị úp sọt, ánh đèn pin sáng tối một gương mặt nửa dạn dày nửa ngơ ngác, tấm màn trắng ố màu rách góc bay phần phật, những lá cờ đủ màu hết dựng lên lại hạ xuống, mấy bộ tóc giả, cái dáng chênh chao trên võng của Phụng... Bàn thờ Phật, lọ hoa cúc, bát nhang, chiếc tủ nhỏ, cái mền nhung gấp tám, tấm phảng được lau đi lau lại, bọc dép Biti's, bầy chó... trong không gian tạm bợ, nhỏ xíu bộc bạch khát vọng về một mái gia đình hiền lương đúng nghĩa. Và có lẽ, trong khoảng lặng bàng hoàng vì đám cháy cuối phim, khán giả vẫn kịp nhận ra có gì đó tương đồng giữa cô gái trẻ nức nở bần bật sau ống kính với "cường nhân" Louis Bloom trong bộ phim Nightcrawler. Chỉ khác ở chỗ, động lực dấn thân của Thắm xuất phát từ lòng nhân ái và khát vọng làm phim tử tế.

(Nhiều bài báo bình luận và đánh giá cao cho bộ phim)

Những dấu lặng mênh mang đầy chất xi-nê đó còn dẫn dắt người xem đi sang một địa hạt gần gũi với điện ảnh là văn chương. Trong gánh mưu sinh - gánh đời ấy có con người dưới hầm của chủ nghĩa hiện thực Nga, có tình người khốn cùng trong chủ nghĩa lãng mạn Pháp, có cảm thức sợ tàn phai trong văn chương phù thế Nhật, có chất giễu nhại mang tinh thần Phục hưng, có cú quẫy đạp rồi thúc thủ "hoá thân" của Kafka và cả cái thanh thản ở đi không vĩnh biệt của Thiền thi. Câu chuyện của Thắm còn khiến khán giả nhớ đến những chuyến khởi hành mới mẻ và đoạn tuyệt, khắc khoải và đam mê của "thế giới con người ở mé bên kia và bên dưới thế lực văn minh" trong tiểu thuyết Sa mạc mà Jean-Marie Gustave Le Clézio, nhà văn đoạt giải Nobel 2008, cảm thấu. Cảnh chị Phụng vui sướng vẫy vùng dưới làn nước của trời, thản nhiên nhận mình là "bóng gió" khiến người xem liên tưởng đến những điều mà Dostoievsky đã quay quắt cật vấn thời đại từ hai thế kỉ trước và được hậu thế Orhan Pamuk diễn giải gọn gàng trong Những màu khác: "Chúng ta thảy hẳn đều sống qua những quãng thời gian mà ta khám phá ra rằng tự miệt thị mình thì cũng thú, thậm chí còn thư thái. Ngay cả khi cứ tự nhủ rằng mình chẳng đáng đồng xu cắc bạc nào - thật nhiều lần, như thể việc lặp lại sẽ biến điều đó trở thành hiện thực - thì đột nhiên chúng ta thoát khỏi mọi kiềm chế về đạo đức cần tuân thủ và khỏi nỗi âu lo ngộp thở về việc phải tuân theo những quy tắc và luật lệ, về việc phải cắn răng cố làm cho mình giống người khác… Rồi ta thấy ta ở một chốn mà ở đó ta có thể sảng khoái đằm mình trong sự hiện hữu…". Vẻ đẹp buồn bã, đa ẩn dụ của khoảnh khắc ánh đèn đường bao bọc những cành lá xanh sẫm đập sàn sạt vào mấy song sắt cũ sét trên mui trần xe tải, bên dưới là gương mặt hoang hoải phờ phạc của người lớn, trẻ con khiến người xem không khỏi âm thầm so sánh họ với những du nữ cầm cự đời mình nơi quán trọ trong thơ Basho. Ấy nhưng, các du nữ của Thắm không được thoát tục với trăng và đinh hương như cách mà Basho mong muốn. Chính vì vậy mà họ rất đời, đời đến mức có thể trở thành chất liệu hảo hạng của phim ảnh, thi ca.

Cuộc gặp gỡ với điện ảnh và văn chương ngoạn mục, hấp dẫn này hẳn không nằm trong dự tính của Thắm, cũng như nàng Tấm chẳng ngờ tới ẩn số của bốn chiếc lọ xương cá dưới chân giường. Chắc chắn, cuộc chạm ngõ không định trước của Thắm sẽ nuôi dưỡng thêm mộng ước của những người làm phim và phát hành phim độc lập, ấp ủ thêm những kiếm tìm giao cảm giữa các loại hình nghệ thuật.

ThS. Đào Thị Diễm Trang
Khoa Văn học và Ngôn ngữ
Trường Đh KHXH&NV – ĐHQG Tp. HCM

* Lưu ý: Bài viết thể hiện điểm nhìn của tác giả nên khi tham khảo và sử dụng, xin quý vị trích dẫn nguồn, thông tin tác giả đầy đủ. Cám ơn quý vị!

Trailer Phim:



Khán giả của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng



(Báo Tuổi Trẻ) Xúc động với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét :

Đăng nhận xét